Hiện nay, sản phẩm viên nén gỗ đang được ưa chuộng vì có thể dùng làm chất đốt phục vụ sinh hoạt thay gas, than và điện cho các ngành công nghiệp, gia đình. Vì thế, dù còn khá mới mẻ tại Việt Nam song đây được dự báo là mặt hàng nông lâm sản có giá trị xuất khẩu rất tiềm năng.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm viên gỗ nén.
1/Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam phối hợp Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định và Tổ chức Forest Trends, giá viên nén gỗ xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Hàn Quốc và Nhật Bản dao động khoảng 140 USD/tấn, tăng mạnh kể từ quý II/2022 và có thời điểm đạt đỉnh hơn 200 USD/tấn vào cuối quý III/2022, nhưng đã giảm mạnh trong quý II/2023 về mức 110 USD/tấn tại thị trường Hàn Quốc, trong khi mức giá xuất khẩu đi Nhật Bản đạt 145-165 USD/tấn.
Báo cáo nêu rõ, Việt Nam hiện đã trở thành quốc gia sản xuất viên nén lớn thứ hai trên thế giới. Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường nhập khẩu viên nén lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 95% trong tổng lượng viên nén xuất khẩu từ Việt Nam vào tất cả các thị trường.
Tỉnh Bình Định là địa phương có nhiều thuận lợi cho việc phát triển ngành chế biến viên nén gỗ. Mỗi năm các cơ sở sản xuất viên nén sử dụng hàng trăm nghìn tấn gỗ, chủ yếu là mùn cưa và gỗ dăm bào nhỏ. Nguồn nguyên liệu chủ yếu đến từ diện tích rừng trồng trên địa bàn, ngoài ra các nhà máy chế biến viên nén tại Bình Định còn có thể mua gom gỗ rừng trồng từ các địa phương khác trong và ngoài tỉnh như: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk… Đây là vùng nguyên liệu đủ để các nhà máy hoạt động ổn định.
Ông Võ Thành Nam, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tân Phú Sơn (Cụm Công nghiệp thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ, Bình Định) cho biết, nhà máy sử dụng hai nguồn nguyên liệu chính là củi rừng trồng như cành, nhánh và phế phẩm từ các công ty gỗ xuất khẩu như mùn cưa, dăm bào, domino… Tuy nhiên, hiện nay các công ty gỗ xuất khẩu cũng đang gặp khó khăn, hoạt động cầm chừng nên lượng mùn cưa và dăm bào không có nhiều nên doanh nghiệp này chủ yếu thu mua củi rừng trồng là bạch đàn và keo. Sau khi thu mua, nguyên liệu được đưa vào băm thành dăm nhỏ, sau đó nghiền mịn, sấy khô rồi đưa vào ép nén thành viên.
Được biết, hiện nay, tất cả các thị trường đòi hỏi yêu cầu khắt khe về tính hợp pháp của nguyên liệu, đặc biệt yêu cầu nguyên liệu sản xuất viên nén phải từ rừng trồng có chứng nhận FSC (Chứng nhận rừng bền vững quốc tế) nên Công ty Tân Phú Sơn phải ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu từ những hộ dân, cơ sở trồng rừng đã đạt chứng nhận FSC. Với khả năng hiện tại, mỗi năm công ty sản xuất khoảng hơn 40 nghìn tấn thành phẩm, tùy thuộc vào nhu cầu thị trường, qua đó, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 50 công nhân trên địa bàn. Có điều, hiện nay trên địa bàn cũng có nhiều công ty sản xuất mặt hàng này nên nguồn nguyên liệu cạnh tranh cao, điều này khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu đầu vào.
2/Được khởi công xây dựng vào cuối tháng 7/2022 tại Cụm công nghiệp Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), đến nay, nhà máy sản xuất viên nén gỗ do Công ty TNHH Năng lượng xanh Idemitsu Việt Nam (IGEV) thuộc Idemitsu Kosan Co.,Ltd. (Nhật Bản) làm chủ đầu tư đã chính thức đi vào hoạt động. Nhà máy thương mại sản xuất viên nén đen quy mô lớn với công nghệ gia nhiệt, có công suất sản xuất hằng năm là 120 nghìn tấn viên nén năng lượng xanh Idemitsu (IGEP) và được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Ông Hidetoshi Suzuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng xanh Idemitsu Việt Nam cho biết, Việt Nam có ngành công nghiệp phế liệu gỗ phát triển mạnh và là một trong những nhà cung cấp nhiên liệu sinh khối hàng đầu thế giới. Tận dụng nền tảng kinh doanh than đá đã có trong suốt 40 năm, chúng tôi sẽ xây dựng chuỗi cung ứng tích hợp cho nhiên liệu sinh khối, từ thu mua nguyên liệu thô đến sản xuất, bán hàng và vận chuyển. Đồng thời củng cố hoạt động kinh doanh sản xuất và cung cấp viên nén đen để có thể kết hợp nhiên liệu đốt với than đá.
Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, ngành viên nén gỗ có cơ hội mở rộng thị trường khi cầu tiêu thụ tại Việt Nam bắt đầu có tín hiệu tăng nhanh, bởi Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các cam kết giảm phát thải khí nhà kính và sử dụng năng lượng sạch, bao gồm viên nén nhằm thay thế than trong sản xuất năng lượng. Đặc biệt nhu cầu tiêu thụ viên nén tại Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng và có thể mở rộng gấp ba lần cho tới năm 2024-2025. Nếu năng lực sản xuất của Việt Nam được giữ nguyên ở mức hiện tại, cung cầu mặt hàng này sẽ cân bằng trong 2-3 năm tới.
Tuy nhiên, ngành này đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải có chứng chỉ FSC và dù điều này có thể đạt được thông qua hình thức hợp tác giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với các hộ trồng rừng để tạo nguồn gỗ chứng chỉ. Thế nhưng, việc mất cân đối cung cầu, nguyên liệu đầu vào chưa được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và pháp lý, kiểm soát thị trường đầu ra sản phẩm còn nhiều khó khăn… có thể là các khía cạnh rủi ro ảnh hưởng sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai.
Một số hoạt động của ngành vẫn còn mang tính tự phát và hiện chưa có các thiết chế cần thiết nhằm điều chỉnh sự phát triển của ngành. Do vậy, dù có nhiều tiềm năng xuất khẩu, nhưng việc sản xuất viên nén gỗ cũng đặt ra những khó khăn và thách thức trong việc quản lý chất lượng, đầu ra sản phẩm cũng như bảo đảm nguồn nguyên liệu không bị cạn kiệt trong tương lai.