Gỗ nguyên liệu đầu vào thường trải qua 4 công đoạn chính để hình thành viên nén: Băm, nghiền, sấy, nén. Gỗ đầu vào được băm nhỏ, sau đó qua công đoạn nghiền, sấy và ép viên tạo sản phẩm cuối cùng.
Gỗ nguyên liệu sử dụng để sản xuất viên nén hiện bao gồm 2 nguồn chính: Nguồn ướt và nguồn khô. Nguồn ướt là phụ phẩm của gỗ rừng trồng trong nước, bao gồm cành, ngọn, vỏ cây, đầu mẩu gỗ, bìa bắp… Đây là các phần thừa sản sinh từ quá trình chế biến gỗ rừng trồng trong nước. Đây cũng chính là những phần sản phẩm cuối cùng sau khi các phần khác của cây đã được DN các ngành khác sử dụng (ví dụ xẻ, bóc). Các phụ phẩm này chưa qua công đoạn sấy do vậy được gọi là nguồn “ướt”.
Việt Nam có trên 4 triệu ha rừng trồng, tập trung ở các vùng sinh thái như Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên Hải Nam Trung Bộ (Bảng 1). Các diện tích rừng trồng vẫn đang tiếp tục mở rộng.
Bảng 1. Các diện tích rừng trồng của Việt Nam theo vùng sinh thái năm 2020 (ha)[1]
Vùng |
Diện tích (ha) |
Tỷ lệ (%) |
Tây Bắc Bộ |
207.413 |
5% |
Đông Bắc Bộ |
1.584.315 |
36% |
Đồng bằng Sông Hồng |
37.059 |
1% |
Bắc Trung Bộ |
921.271 |
21% |
Duyên hải Nam Trung Bộ |
872.242 |
20% |
Tây Nguyên |
382.411 |
9% |
Đông Nam Bộ |
222.985 |
5% |
Đồng bằng sông Cửu Long |
170.334 |
4% |
Tổng cộng |
4.398.030 |
100% |
Nguồn: Tô Xuân Phúc và cộng sự, 2021.
Gỗ nguyên liệu từ rừng trồng không chỉ quan trọng đối với ngành viên nén mà còn với các ngành khác như đồ gỗ nội – ngoại thất, ngành sản xuất ván ép, ván bóc… Đây cũng là nguồn cung nguyên liệu ướt cho các DN sản xuất viên nén.
Thời gian gần đây nhằm đáp ứng với yêu cầu của thị trường về sản phẩm có chứng chỉ bền vững, các diện tích rừng trồng có chứng chỉ tăng mạnh. Tính đến hết tháng 9/2023 Việt Nam có gần 440.000 ha diện tích rừng trồng đã đạt chứng chỉ FSC và PEFC. Các diện tích này bao gồm các phần diện tích của cả các công ty sử dụng gỗ rừng trồng và của các hộ. Các diện tích cao su đạt chứng chỉ, phần lớn là PEFC, cũng tăng mạnh, chủ yếu là các diện tích thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam. Bảng 2 chỉ ra các diện tích rừng trồng và cao su đã đạt chứng chỉ bền vững tính đến hết tháng 9 năm 2023.
Hiện thị trường Nhật đang yêu cầu viên nén có chứng chỉ bền vững, chủ yếu là FSC. Toàn bộ lượng viên nén có chứng chỉ bền vững được xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật được làm từ gỗ nguyên liệu có nguồn gốc từ các diện tích rừng trồng đã có chứng chỉ của Việt Nam.
Nguồn nguyên liệu “khô” để sản xuất viên nén bao gồm phụ phẩm của quá trình chế biến gỗ nhập khẩu hoặc/và các loại ván, đã trải qua công đoạn sấy khô. Nguồn này bao gồm mùn cưa, dăm bào, đầu mẩu gỗ… Do đã trải qua công đoạn sấy, các phụ phẩm từ quá trình này không cần qua công đoạn sấy trước khi hình thành viên.
Bảng 2. Các diện tích rừng có chứng chỉ theo loài hết 9 tháng 2023
Loài cây và loại hình chứng chỉ |
Diện tích (ha) |
1. Diện tích cao su có chứng chỉ FSC |
3.843 |
Diện tích chứng chỉ nhóm hộ |
3.409 |
Diện tích chứng chỉ công ty |
434 |
2. Diện tích cao su có chứng chỉ PEFC |
123.299 |
Diện tích chứng chỉ công ty |
123.299 |
Diện tích chứng chỉ nhóm hộ |
0 |
3. Diện tích rừng trồng có chứng chỉ FSC |
281.294 |
Diện tích rừng trồng của công ty có chứng chỉ FSC |
181.715 |
Diện tích rừng trồng của hộ có chứng chỉ FSC |
99.579 |
4. Diện tích rừng trồng có chứng chỉ PEFC |
155.121 |
Diện tích của công ty có chứng chỉ PEFC |
125.792 |
Diện tích của hộ có chứng chỉ PEFC |
29.329 |
Nguồn: Nhóm nghiên cứu của các HH gỗ và Forest Trends, tổng hợp từ website của tổ chức FSC và PEFC
Hiện thị trường Hàn Quốc chưa đòi hỏi viên nén được làm từ nguồn gỗ có chứng chỉ. Do vậy hầu hết nguyên liệu khô được sử dụng để tạo sản phẩm xuất khẩu vào Hàn Quốc.
Nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào của các DN phía Bắc
Như đề cập ở phần 2, miền Bắc có khoảng 100 DN viên nén, trong đó bao gồm 30 DN quy mô lớn, còn lại (70%) là DN quy mô nhỏ (chủ yếu) và vừa. 30 DN quy mô lớn hiện cung khoảng 70% tổng lượng viên nén của vùng; 70 DN còn lại cung 30% trong tổng lượng cung.
Giai đoạn phát triển đỉnh điểm (nửa sau năm 2022) tổng lượng cung của các DN ngoài Bắc đạt khoảng 130.000-150.000 tấn/tháng. Tuy nhiên hiện tại ngành đang ở giai đoạn trầm lắng, tổng lượng cung chỉ còn 30.000-40.000 tấn/tháng. Nhiều DN quy mô nhỏ hiện phải đóng cửa.
Miền Bắc có lợi thế về nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng. Các tỉnh có diện tích rừng trồng lớn như Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thái Nguyên…
30 DN quy mô lớn ở Miền Bắc (quy mô đầu tư khoảng 40 tỷ đồng trở lên, chưa kể diện tích đất nhà xưởng) chủ yếu sử dụng nguyên liệu ướt, có nguồn gốc từ nguồn phụ phẩm gỗ rừng trồng trong nước.
70 nhà máy quy mô nhỏ và vừa chủ yếu sử dụng nguyên liệu khô, là phụ phẩm có nguồn gốc từ các cơ sở chế biến gỗ tại làng nghề và các cơ sở chế biến khác.
Sử dụng cả nguyên liệu khô và ướt, các DN khu vực miền Bắc xuất khẩu sang cả Nhật và Hàn Quốc.
Nguồn gỗ nguyên liệu khu vực miền Trung
Đặc điểm của khu vực miền Trung là các diện tích rừng trồng lớn và số lượng các cơ sở chế biến đồ gỗ không nhiều. Với đặc điểm này, 90% gỗ nguyên liệu đầu vào của các DN viên nén là nguyên liệu tươi, là các phụ phẩm của gỗ rừng trồng; 10% còn lại là từ nguyên liệu khô.
So với nguyên liệu khu vực phía Bắc, nguyên liệu ở vùng miền Trung đồng nhất hơn. Do có các diện tích rừng trồng tập trung, miền Trung là khu vực có các diện tích rừng trồng có chứng chỉ bền vững. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất viên nén xuất khẩu thị trường Nhật. Hầu hết các DN khu vực miền Trung hiện đang trực tiếp xuất khẩu sang Nhật.
Miền Trung không có nhiều các cơ sở chế biến đồ gỗ, tuy nhiên đây là nơi có nhiều DN dăm gỗ. Các DN viên nén hiện đang phải cạnh tranh về nguyên liệu gỗ đầu vào với các DN dăm. Các DN dăm đang có nhiều lợi thế so với các DN viên nén bởi tỷ suất đầu tư của các nhà máy dăm nhỏ (khoảng 5-7 tỷ đồng/nhà máy), thấp hơn nhiều so với các nhà nhà máy viên nén (30-40 tỷ), trong khi giá xuất khẩu dăm và viên nén hiện gần như là tương đương nhau.
Nguồn gỗ nguyên liệu khu vực miền Nam
Khoảng 70% tổng lượng gỗ nguyên liệu đầu vào cho các DN sản xuất viên nén khu vực miền Nam là nguyên liệu khô; phần còn lại (30%) là nguyên liệu ướt.
Phần nguyên liệu khô là phụ phẩm của các nhà máy chế biến đồ gỗ, tập trung ở các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn nguyên liệu khô có nguồn gốc từ gỗ nhập khẩu, chủ yếu từ các vùng địa lý tích cực (hay còn còn là rủi ro thấp) theo hệ thống phân loại của Chính phủ Việt Nam. Mặc dù gỗ từ các nguồn này thuộc các khu vực địa lý tích cực như Hoa Kỳ và EU, một phần có chứng chỉ bền vững, tuy nhiên do là phụ phẩm của quá trình chế biến, các DN chế biến đồ gỗ không có hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với nguồn phụ phẩm này. Điều này có nghĩa rằng viên nén tạo ra từ nguồn nguyên liệu khô cũng không thể thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Do yêu cầu của người mua về các sản phẩm có chứng chỉ, một số DN viên nén sử dụng nguồn nguyên liệu khô hiện đang trả thêm chi phí và yêu cầu các DN chế biến đồ gỗ thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, đặc biệt đối với các phần phụ phẩm từ nguồn gỗ có chứng chỉ bền vững.
Tính ổn định của nguồn nguyên liệu khô đầu vào cho viên nén phụ thuộc trực tiếp vào sự phát triển của các DN sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Kể từ cuối Quý III năm 2022 trở về trước ngành chế biến đồ gỗ phát triển mạnh từ đó tạo ra nguồn phụ phẩm dồi dào cho sản xuất viên nén. Mỗi DN chế biến gỗ quy mô bình quân khoảng 2.000-3.000 lao động có thể tạo ra 50-70 tấn phụ phẩm gỗ mỗi ngày. Do sợ cháy nổ và không có nơi chứa, các DN này muốn giải phóng nguồn phụ phẩm ngay trong ngày. Các DN sản xuất viên nén thường tiếp cận dễ dàng với nguồn nguyên liệu này với mức giá hợp lý, dễ thỏa thuận với các DN chế biến gỗ. Đây là nguồn nguyên liệu có tính bền vững nhất cho DN sản xuất viên nén.
Tuy nhiên, ngành sản xuất đồ gỗ đang ở giai đoạn trầm lắng với lượng sản phẩm đầu ra xuất khẩu giảm trên dưới 50% so với 2022. Nguồn gỗ phụ phẩm giảm tương ứng. Các DN sản xuất viên nén không đủ nguyên liệu cho sản xuất và đang phải cạnh tranh với nhau để tiếp cận được với nguồn nguyên liệu này.
Khoảng 30% nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất viên nén khu vực miền Nam là nguyên liệu tươi, chủ yếu là phụ phẩm có nguồn gốc từ gỗ cao su từ các tỉnh như Đồng Nai, Bình Phước là các tỉnh có các diện tích cao su lớn. Mặc dù đến nay Việt Nam đã có trên 120.000 ha cao su đã có chứng chỉ bền vững, hầu hết phần diện tích này thuộc Tập đoàn cao su và gỗ chưa khai thác. Điều này có nghĩa rằng tòa bộ nguồn nguyên liệu ướt đang được sử dụng sản xuất viên nén là nguồn không có chứng chỉ.
Nhìn chung, nguồn nguyên liệu đầu vào của viên nén khu vực miền Nam pha trộn, khó thực hiện truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm đầu ra chủ yếu để xuất khẩu sang Hàn Quốc, là thị trường chưa có yêu cầu về sản phẩm bền vững.
[1] Nguồn: Tinh phap ly cua go rung trong Viet Nam.pdf (goviet.org.vn).VINAGREENS – bên cạnh việc cung cấp các loại nhiên liệu Biomass từ gỗ còn là một những doanh nghiệp có sản lượng sản xuất nhiên liệu sinh khối lớn với công suất hơn 100 ngàn tấn/ năm . Như một lời cam kết với môi trường, chúng tôi luôn ưu tiên phát triển mảng năng lượng sạch thông qua việc sử dụng nhiên liệu gỗ và phế phẩm nông lâm nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững.
Mọi liên hệ hãy gọi hotline : 0912614688 hoặc Email: sale.vinagreens@gmail.com