Ngành viên nén trong tương lai: Từ góc nhìn nguồn nguyên liệu và thị trường

Tính bền vững của ngành viên nén của Việt Nam trong tương lai phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cầu của thị trường đầu ra sản phẩm và tính bền vững của nguồn nguyên liệu gỗ đầu. 

Nguyên liệu đầu vào

Gỗ nguyên liệu đầu vào là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định tính bền vững của ngành viên nén. Các DN viên nén sẽ tiếp tục phải cạnh tranh với DN dăm về nguyên liệu đầu vào. Trong cuộc cạnh tranh này ngành dăm luôn có nhiều lợi thế hơn bởi dăm là nguyên liệu cho ngành giấy và giá dăm được điều chỉnh thường xuyên theo giá thị trường, trong khi viên nén là sản phẩm đầu vào cho ngành điện và giá bán điện thì cố định theo các hợp đồng dài hạn (5-10 năm) nên không thể dễ dàng điều chỉnh về giá. Nếu dăm lên giá (ví dụ như thời gian vừa qua) ngành viên nén không thể cạnh tranh với ngành dăm và các DN viên nén sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu.

Theo đánh giá của một số DN viên nén, nếu giá dăm xuất khẩu (FOB) ở dưới con số 145 USD/tấn thì ngành viên nén còn có cơ hội cạnh tranh về nguồn nguyên liệu với ngành dăm. Cầu viên nén tại các thị trường truyền thống của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt tại Nhật Bản. Dư địa phát triển của các DN viên nén vẫn còn. Dư địa này khác nhau phụ thuộc vào các vùng cụ thể. Từ góc nhìn nguồn cung nguyên liệu đầu vào tại các vùng, tương lai của của ngành viên nén có thể có những thay đổi như sau:

Miền Bắc

  • Xuất khẩu viên nén từ khu vực phía Bắc sẽ bùng nổ trong tương lai. Nhiều nhà máy mới hiện đang trong quá trình xây dựng.
  • Đây là nguồn tập trung nguyên liệu gỗ rừng trồng, là lợi thế cho ngành. Đây sẽ là vùng tập trung nhiều nhà đầu tư sản xuất viên nén trong 3-5 năm tới.
  • Diện tích rừng trồng có chứng chỉ chủ yếu là các diện tích của hộ mở rộng nhanh trong tương lai chủ yếu thông qua các chương trình liên kết với các công ty sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng, bao gồm các DN viên nén.

Miền Trung

  • Vùng này sẽ không có nhiều biến động trong tương lai.
  • Các DN viên nén sẽ tiếp tục cạnh tranh với các DN dăm về nguồn nguyên liệu. Nếu dăm tăng giá, các DN viên nén đối mặt với sức ép thiếu nguyên liệu.
  • Các DN viên nén không mở rộng trong tương lai.

Miền Nam

  • Đây là vùng có nguyên liệu bền vững nhất, là nguồn nguyên liệu khô. Nguyên liệu khô là phụ phẩm của ngành chế biến gỗ. Nguồn nguyên liệu này không sử dụng được cho ngành dăm do vậy các DN viên nén không phải cạnh tranh với ngành dăm. Nếu ngành chế biến gỗ hoạt động tốt, phụ phẩm của chế biến sẽ nhiều, đủ để cung cho sản xuất viên nén.
  • Các DN sản xuất viên nén trong vùng sẽ bền vững về nguyên liệu nếu tổng cung viên nén đầu ra của các DN trong vùng khoảng 3 triệu tấn/năm, bao gồm 2 triệu tấn từ nguồn nguyên liệu khô, 1 triệu tấn từ nguồn nguyên liệu tươi.
  • Tương lai sẽ chứng kiến sự tập trung hóa trong các DN viên nén: Các DN nhỏ lẻ không tồn tại, chỉ còn lại các DN quy mô lớn.

Thị trường đầu ra xuất khẩu

Ngành viên nén Việt Nam vẫn có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt tại Nhật. Theo đánh giá của các DN viên nén, nhu cầu tiêu thụ viên nén gỗ tại Nhật Bản sẽ mở rộng gấp 3 lần so với hiện tại. Hiện Việt Nam đang cung khoảng 80% viên nén cho thị trường này. Cơ hội mở rộng thị phần tại đây là rất lớn.

Viên nén xuất khẩu vào Nhật Bản đòi hỏi cần có chứng chỉ bền vững. Do nguồn cung viên nén làm từ vỏ dầu cọ (PKS) có nguồn gốc từ Indonesia có thể sẽ không đạt được chứng chỉ và do vậy không đáp ứng được yêu cầu của thị trường Nhật Bản. Nếu điều này xảy ra, các DN Việt Nam có cơ hội thay thế nguồn cung PKS từ Indonesia.

Tại thị trường Hàn Quốc, dư địa phát triển cho các DN Việt Nam trong tương lai không nhiều. Quy mô của thị trường này không có nhiều thay đổi. Đây là thị trường tương đối dễ tính, chấp nhận các nguồn cung với chất lượng và tiêu chuẩn không cao. Hiện một số DN của Hàn Quốc, chủ yếu là các DN nhỏ, vẫn tiếp tục mua nguồn viên nén từ Nga. Hàn Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới còn sử dụng nguồn cung từ Nga.

Theo một số DN Việt Nam hiện đang xuất khẩu viên nén vào Hàn Quốc, một số nhà mua lớn của Hàn Quốc đang bắt đầu đòi hỏi các bằng chứng về truy xuất nguồn gốc. Theo đánh giá của các DN này, trong 4-5 năm tới, yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ là bắt buộc đối với các sản phẩm xuất khẩu vào Hàn Quốc.

Thị trường đầu ra tại nội địa

Thị trường nội địa của mặt hàng viên nén hiện đã bắt đầu hình thành. Tuy nhiên hiện tại quy mô vẫn còn hạn chế. Một số DN viên nén đang cung sản phẩm của mình cho các nhà máy trong ngành công nghiệp nhẹ như dệt, nhuộm, sản xuất rượu bia, dày dép để vận hành hệ thống nồi hơi. Các DN tiêu thụ viên nén thường là DN có vốn đầu tư nước ngoài, nằm trong chuỗi cung toàn cầu về hàng hóa, với các nhà mua toàn cầu cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong chuỗi cung của mình.

Cầu tiêu thụ nội địa đối với sản phẩm viên nén có khả năng mở rộng trong tương lai, cả trong hệ thống ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Tiềm năng cụ thể trong 2 ngành này như sau:

  • Ngành công nghiệp nhẹ. Dù chưa có con số thống kê chính thức, các DN cung viên nén cho thị trường nội địa cho rằng đã có nhiều nhà máy sử dụng nồi hơi đã chuyển đổi từ nguồn nguyên liệu than, dầu có mức phát thải cao sang sử dụng viên nén với mức phát thải thấp hơn. Chuyển đổi này là hoàn toàn tự nguyện và sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai. Thay thế than và dầu bằng viên nén đòi hỏi chi phí cao hơn đối với DN. Tuy nhiên do nồi hơi có công suất nhỏ, lượng viên nén sử dụng không cần nhiều và với lợi thế này viên nén sẽ được các nhà máy sử dụng nồi hơi lựa chọn. Ngoài ra, trong tương lai Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển đổi nhiên liệu theo hướng giảm phát thải. Điều này sẽ thúc đẩy các DN trong ngành công nghiệp nhẹ sử dụng viên nén nhiều hơn.
  • Ngành công nghiệp nặng. Bao gồm các ngành sản xuất như điện, xi măng, phân bón… Đây là những ngành sử dụng điện và than lớn với mức phát cao. Cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 tới năm 2050, Chính phủ hiện đang yêu cầu các DN có mức phát thải cao thay đổi công nghệ và phương thức quản lý nhằm giảm phát thải. Thay đổi nguồn nguyên liệu đầu vào từ than, dầu… sang các nguồn nguyên liệu sạch hơn như điện gió, mặt trời… là yêu cầu bắt buộc đối với các DN này trong tương lai. Viên nén có tiềm năng trở thành một trong những nguồn nguyên liệu thay thế cho than, dầu nhằm giảm phát thải. Tuy nhiên, để viên nén có thể trở thành nguồn cung thay thế cho các nguồn phát thải cao đòi hỏi cần có các chính sách ưu đãi đối với việc sử dụng nguồn nguyên liệu này – giống như việc Chính phủ ưu đãi cho ngành điện gió, điện mặt trời. Nếu Chính phủ có các cơ chế ưu tiên cho việc sử dụng viên nén làm nguyên liệu đầu vào (ví dụ trợ giá điện sản xuất từ viên nén, chính sách khuyến khích /ưu đãi các DN phát thải cao trong ngành xi măng, hóa chất phân bón… chuyển đổi than/dầu sang sử dụng viên nén) tiềm năng tiêu thụ viên nén trong ngành công nghiệp nặng sẽ rất lớn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0912.614.688
chat-active-icon