Tình trạng khan hiếm năng lượng ở nhiều nước trên thế giới trong năm qua gia tăng là yếu tố chính thúc đẩy xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ của Việt Nam tăng trưởng tốt.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm qua mặt hàng dăm gỗ và viên gỗ nén có tỷ trọng xuất khẩu tăng mạnh. Trong đó, trị giá xuất khẩu dăm gỗ đạt 2,7 tỷ USD, tăng 54,9% so với năm 2021, tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này chiếm 16,77% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 5,06 điểm phần trăm so với năm 2021. Tiếp theo là viên nén gỗ đạt 778,5 triệu USD, tăng 83,6% so với năm 2021, tỷ trọng chiếm 4,86%, tăng 2 điểm phần trăm so với năm 2021.

Trước đó, vào năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 13,6 triệu tấn dăm gỗ, đạt 1,73 tỷ USD, tăng 17,2% về lượng và 16,7% về giá trị so với năm 2020. Giá trị xuất khẩu của mặt hàng dăm gỗ chiếm trên 12% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của toàn ngành.

Theo Cục xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương, trên thị trường thế giới, nhu cầu dăm gỗ và viên nén gỗ ngày càng gia tăng, bởi cam kết của các nước trong việc giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm cả việc thay thế các nguồn nguyên liệu hóa thạch bằng các nguồn nguyên liệu sinh học như viên nén gỗ trong tương lai, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ viên nén gỗ ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, chiến tranh giữa Nga – Ukraine buộc các quốc gia khối EU phải tìm nguồn cung nguyên liệu thay thế cho nguồn khí đốt từ Nga. Đây là cơ hội lớn đối với xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ của Việt Nam trong thời gian tới.

Ngành sản xuất viên nén và dăm gỗ ảm đạm hơn

Ông Nguyễn Liêm – Phó chủ tịch Hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt cho biết, thị trường viên nén gỗ và dăm gỗ mấy tháng trước rất nóng, giá cao nhu cầu lớn. Lý do là vấn đề khí đốt ở châu Âu và năng lượng hóa thạch giảm nên châu Âu mua tích trữ nhiều bây giờ đã đủ nên họ giảm mua, và giá xuất khẩu cũng giảm theo mà chưa biết khi nào họ sẽ mua lại nên thị trường này đã trở nên ảm đạm. Do vậy, thị trường viên nén gỗ và dăm gỗ trong năm 2023 vẫn chưa biết như thế nào?

Mặc dù thị trường xuất khẩu viên nén và dăm gỗ đang trầm lắng nhưng vẫn khá hơn thị trường gỗ và sản phẩm gỗ vì dù sao viên nén và dăm gỗ vẫn là mặt hàng thiết yếu của đời sống. Khách hàng mua để tồn kho bây giờ đủ nhưng sau một thời gian sử dụng lượng tồn kho giảm họ sẽ mua lại.

Trong năm 2022, nhu cầu thị trường nhập khẩu dăm gỗ tăng cao xuất khẩu dăm gỗ tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng xuất khẩu dăm gỗ là đang xuất khẩu thô, và có nguy cơ ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu gỗ dùng chế biến gỗ xuất khẩu.

Trước lo lắng này, các doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ cho rằng, xuất khẩu dăm gỗ tăng trưởng mang lại lợi nhuận cho ngành gỗ nói chung và doanh nghiệp cũng như người nông dân nói riêng, nhưng nguyên liệu dùng chế biến dăm gỗ không thể là gỗ to được mà chủ yếu là gỗ nhỏ. Gỗ to cung cấp cho ngành chế biến xuất khẩu gỗ có giá trị cao hơn, không ai mang nguyên liệu giá trị cao đi bán cho ngành sản xuất giá trị thấp.

“Hiện khu vực phía Bắc đang xây dựng nhiều nhà máy sản xuất viên nén gỗ và dăm gỗ, và lĩnh vực này sẽ không cạnh tranh nguồn nguyên liệu với ngành gỗ. Bởi vì ngành sản xuất viên nén và dăm gỗ với ngành sản xuất gỗ và sản phẩm đồ gỗ là cộng sinh, nếu không có nhà máy sản xuất viên nén và dăm gỗ thì các loại gỗ cành, gỗ nhánh và các loại gỗ nhỏ sẽ không biết sử dụng về đâu?”, Phó chủ tịch Hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương nói.

Xuất khẩu phế, phụ phẩm ngành gỗ có thể mang về tỷ đô/năm

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, viên nén gỗ được làm hoàn toàn từ phụ phẩm lâm nghiệp như vỏ cây, lá cây cành cây nhỏ, đầu mẫu gỗ vụn. Nguồn phế – phụ phẩm này được thải ra từ hệ thống các xưởng xẻ, xưởng ván bóc, xưởng dăm…

Kim ngạch xuất khẩu viên nén gỗ có tiềm năng lọt vào top các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu trị giá trên tỷ đô, và hiện cả nước có khoảng 300 cơ sở sản xuất viên nén để xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.

Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, sức mua của thế giới tăng trưởng rất nhanh khi mà nguyên liệu gốc nhất là nhiên liệu hóa thạch ngày càng đắt đỏ và khan hiếm. Cho đến nay xu thế đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và nhà máy điện than phát thải khí CO2 ngày càng nhiều thì các nguyên liệu có tính chất bảo vệ môi trường như viên nén gỗ có thị trường rất lớn.

Mỗi năm Việt Nam có hơn 160 triệu tấn phụ phẩm được tạo ra từ sản xuất nông nghiệp. Với nhiều nước trên thế giới đây là nguồn tài nguyên, là đầu vào quan trọng cho nhiều lĩnh vực, tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn, bền vững.

Tại Việt Nam, phải đến khi xuất khẩu đồ gỗ khó khăn thì xuất khẩu viên nén gỗ và dăm gỗ mới tăng mạnh, khi đó nhiều người mới nhận ra rằng chúng ta đã lãng phí hàng tỷ USD/năm. Nếu giải quyết được bài toán công nghệ, tiềm năng từ mặt hàng của những phụ phẩm tỷ đô sẽ được khơi dậy.

Giá dăm gỗ liên tục thay đổi, đầu năm 2022 giá dăm gỗ xuất khẩu chỉ 130 USD/tấn, đến giữa năm đã tăng vọt lên 180 USD/tấn, nhưng đến cuối tháng 12/2022 giá dăm gỗ đã giảm và chững lại.

Ông Thang Văn Thông – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hào Hưng cho biết, giá dăm chững lại một phần do suy thoái kinh tế nhưng nguyên nhân chính là do một vài nhà nhập khẩu chuyển hướng mua ở các thị trường khác. Giá thành ở các thị trường này cũng tương đương với giá thành thu mua ở Việt Nam nhưng chất lượng của các nước cao hơn, sợi có thể đạt 4,7 nhưng của Việt Nam chỉ đạt 4,5.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ, hiện có đến 70% lượng dăm gỗ xuất khẩu của Việt Nam là tới thị trường Trung Quốc, nên việc tìm kiếm thị trường mới là rất khó, bởi các thị trường lớn như EU hay Mỹ đều có nguồn nguyên liệu của họ. Trong khi Nhật Bản chỉ chiếm 15% lượng xuất khẩu, nên đẩy khối lượng lên rất khó và cũng chỉ có Trung Quốc là thị trường tiêu thụ dăm gỗ lớn nhất và ngoài thị trường này ra, không có thị trường nào có thể thu nhập khối lượng dăm gỗ lớn hơn.

Mọi liên hệ hãy gọi hotline : 0912614688 hoặc Email sale.vinagreens@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0912.614.688
chat-active-icon