Biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động tiêu cực đến môi trường sống. Khoa học đã chứng minh, một trong những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu là do sự nóng lên của trái đất, chủ yếu do lượng khí thải carbon xả ra từ các hoạt động sản xuất tăng mạnh trong những thập kỷ vừa qua.
Để hạn chế thực trạng này, EU ban hành đạo luật mới về thuế carbon nói riêng và chống biến đổi khí hậu nói chung. Quy định mới này sẽ tác động gì tới các quốc gia có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Việt Nam? Các doanh nghiệp cần phải làm gì để thích ứng với quy định mới này của EU?
Quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 10/2023, quy định là các doanh nghiệp sẽ có nghĩa vụ phải báo cáo sản lượng hàng hóa chịu tác động của cơ chế điều chỉnh các bon khi nhập hàng Châu Âu. Tuy nhiên, việc đánh thuế, khoảng 80 đến 100 đô la cho một tấn CO2 quy đổi tương đương hay là một tín chỉ carbon có ý nghĩa mang tính chuẩn bị, vì đến tháng 1 năm 2026 thì việc đánh thuế này mới có hiệu lực chính thức.
EU phân loại hàng hóa thành 2 loại để tính suất phát thải thực tế gồm: Hàng hóa đơn giản và hàng hóa phức tạp. Hàng hóa phức tạp sẽ tính toán cả lượng phát thải của nguyên liệu đầu vào. Như vậy, các doanh nghiệp phải nhận thức được rằng, phát thải được tính cho hàng hóa không chỉ đơn giản phát sinh trong quá trình sản xuất, mà còn cả từ nguyên liệu. Có nghĩa là các doanh nghiệp phải báo cáo chi tiết về hàng hóa đầu vào.
Cơ chế này không chỉ là một hồi chuông cảnh báo cho các doanh nghiệp đang có hàng hóa nhập khẩu vào Châu Âu, một số ngành nghề được quy định sẽ phải có lộ trình để cắt giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao chất lượng sản phẩm khi muốn tham gia xuất khẩu vào thị trường Châu Âu.
Đến tháng 1/2026, CBAM bắt đầu dần được đưa vào song song với việc loại bỏ dần hạn ngạch miễn phí của EU. Đến 2027 Ủy ban Châu Âu thực hiện rà soát toàn diện về CBAM. Và đến 2034, CBAM chính thức vận hành toàn bộ.
Như vậy là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro sẽ là các ngành hàng của Việt Nam bị đánh thuế carbon dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất khi xuất khẩu sang thị trường EU. Vậy thách thức các ngành hàng này của Việt Nam sẽ phải đối mặt là gì?