Tín chỉ carbon là gì? 

Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể giao dịch thương mại hay còn gọi là giấy phép thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Mỗi tín chỉ carbon tương đương với một tấn phát thải CO2 (carbon dioxide) hoặc khí thải nhà kính khác (CH4, NO2) quy đổi tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2tđ).

Thị trường tín chỉ carbon là gì?

Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ. Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua năm 1997. Theo nghị định này, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do CO2 là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị  trường cacbon hay thị trường tín chỉ carbon. 

Thị trường tín chỉ carbon gồm những ai?

Hiểu một cách đơn giản, thị trường tín chỉ carbon vận hành có các bên mua, bán và các tổ chức trung gian. Bên bán, có thể là mọi tổ chức nếu hoạt động phát thải carbon trong toàn bộ hoạt động (chuỗi cung ứng, kinh doanh trực tiếp, chuỗi phân phối) có tổng mức phát thải ròng CO2 âm. Họ có thể là người thực hiện các dự án trồng rừng và bảo vệ hệ sinh thái, doanh nghiệp phát triển dự án năng lượng tái tạo, công ty sản xuất xe điện…

Ngược lại, bên mua là các doanh nghiệp có lượng phát thải CO2 dương, có thể là công ty sản xuất thép, xi măng, hóa dầu, sản xuất hóa chất, may mặc… Bên mua buộc phải mua tín chỉ carbon để hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường có quy định về tiêu chuẩn sản xuất xanh. 

Ở giữa người mua và người bán, có các đối tác trung gian là các đơn vị tư vấn, đơn vị kiểm toán, các nhà môi giới trung gian chia theo nhiều cấp độ.

Tổng quan thị trường carbon

Thị trường carbon bao gồm thị trường carbon bắt buộc (compliance market) và thị trường carbon tự nguyện (voluntary market). 

➣ Thị trường carbon bắt buộc là thị trường mà quốc gia, tổ chức hoặc doanh nghiệp theo luật sẽ phải kiểm kê và giảm lượng phát thải KNK và có quyền tham gia các hoạt động trao đổi, buôn bán, chuyển giao hạn ngạch phát thải KNK cũng như tín chỉ carbon. Việc giảm phát thải sẽ phải tuân thủ theo các quy định bắt buộc của quốc gia, khu vực hoặc quốc tế, ví như các cơ chế thuộc Nghị định thư Kyoto (Kyoto Protocol – KP), hệ thống giao dịch phát thải châu Âu (European Emissions Trading System/Scheme EU-ETS) cùng các hệ thống giao dịch phát thải bắt buộc khác. 

➣ Thị trường carbon tự nguyện là thị trường cho phép các cơ sở phát thải bù trừ (offset) lượng phát thải không thể tránh khỏi của mình bằng cách mua tín chỉ carbon được tạo ra từ các dự án giảm phát thải nhằm giảm lượng phát thải KNK trên cơ sở tự nguyện. Các dự án tín chỉ carbon được phát triển và đăng ký theo các tiêu chuẩn carbon tự nguyện/độc lập như Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (Verified Carbon Standard – VCS) hay Tiêu chuẩn vàng (Gold Standard – GS) và các tiêu chuẩn carbon tự nguyện khác.

Từ tháng 10 năm 2023, với các mặt hàng nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, hóa chất hữu cơ, nhựa… những lĩnh vực chiếm hơn 90% lượng khí thải công nghiệp tại EU, các nhà nhập khẩu đã phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu. Từ năm 2026 nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, họ sẽ phải mua “chứng chỉ khí thải” – tín chỉ carbon. Nếu không, EU sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. (CBAM – Carbon Border Adjustment Mechanism – Cơ chế điều chỉnh Carbon qua biên giới)

Cơ sở pháp lý phát triển thị trường carbon

Tháng 11/2020, Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi được thông qua, lần đầu tiên đưa ra quy định về việc tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước (Điều 139), trong đó Bộ TN&MT được giao nhiệm vụ thiết lập tổng hạn ngạch cho ETS (Hệ thống giao dịch phát thải – Emission Trading Systems) của Việt Nam và xác định phương pháp phân bổ hạn ngạch cũng như các cơ chế tín chỉ bù trừ carbon được áp dụng trong ETS.

Ngày 07/01/2022, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó quy định chi tiết Điều 91 (giảm phát thải KNK) và Điều 139 (hình thành, phát triển thị trường carbon) của Luật Bảo vệ Môi trường 2020.

Ngày 18/01/2022, Chính phủ ban hành Quyết định 01/2022/QĐ-TTg quy định danh mục lĩnh vực, cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK, theo đó có 1.912 cơ sở sẽ tham gia vào thị trường carbon trong nước. Ngày 15/11/2022, Thông tư số 17/2022/TT-BTNMT quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải KNK và kiểm kê KNK lĩnh vực quản lý chất thải tiếp tục được ban hành nhằm tạo tiền đề để đạt được các mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK trong lĩnh vực quản lý chất thải trong thời gian tới. Với các văn bản quy phạm đã được ban hành, đặc biệt là Nghị định 06/NĐ-CP, có thể thấy thị trường carbon trong nước đã dần được định hình rõ nét hơn.

Đối tượng chính tham gia thị trường carbon 

Về đối tượng tham gia thị trường carbon trong nước, dễ nhận thấy đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất khi tham gia vào thị trường này chính là các các cơ sở phát thải KNK lớn. 

Các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sản xuất (khi bị áp một mức giới hạn phát thải, lượng sản phẩm mà doanh nghiệp sản xuất sẽ bị giới hạn theo) hoặc chịu sức ép chuyển đổi công nghệ (các hạn ngạch phát thải sẽ giảm dần theo thời gian nên doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi sang công nghệ phát thải thấp nhằm tuân thủ quy định pháp luật) hoặc bị ảnh hưởng trực tiếp đến tính cạnh tranh (nếu không đảm bảo mức phát thải dưới hạn ngạch được phân bổ thì hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng). 

Tuy nhiên, bên cạnh những mối lo, việc tham gia vào thị trường carbon cũng mang lại lợi ích nhất định cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp vừa có khả năng tạo ra doanh thu bổ sung từ việc giao dịch hạn ngạch hay tín chỉ carbon, vừa nâng cao hình ảnh và tăng tính cạnh tranh khi tham gia vào các thị trường áp dụng các cơ chế định giá carbon, qua đó, đóng góp vào mục tiêu giảm nhẹ phát thải KNK quốc gia và toàn cầu.

Doanh nghiệp cần bắt đầu từ đâu? 

Để tham gia vào thị trường carbon trong nước, doanh nghiệp cần xây dựng năng lực thực hiện kiểm kê KNK và lập kế hoạch giảm phát thải KNK phù hợp nhằm giảm cường độ phát thải KNK và đóng góp vào các mục tiêu khí hậu quốc gia. Ngoài ra, doanh nghiệp nên trang bị kiến thức về thị trường carbon cũng như các cơ chế định giá carbon trước khi tham gia vào thị trường đặc biệt này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0912.614.688
chat-active-icon