Viên nén gỗ sinh khối đang trở thành mặt hàng xuất khẩu đầy tiềm năng của Việt Nam do nhu cầu nhiên liệu đốt cho các nhà máy sản xuất công nghiệp, nhà máy nhiệt điện trên thế giới tăng cao. Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, hết năm 2021, lượng xuất khẩu đạt 3,5 triệu tấn tương đương kim ngạch 413 triệu USD. Những tháng đầu của năm 2022, xuất khẩu viên nén tăng mạnh trong bối cảnh nguồn cung thế giới giảm.
Nhiều cơ hội xuất khẩu
Trong ngành gỗ, viên nén thường được coi là sản phẩm phụ hoặc sản phẩm cuối cùng. Nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào là cành, ngọn từ nguồn gỗ rừng trồng, sản phẩm phụ của quá trình chế biến như đầu mẩu vụn của gỗ, mùn cưa, dăm bào… Việt Nam hiện là 1 trong 10 nước sản xuất viên nén lớn nhất thế giới với công suất bình quân 2,5 triệu tấn/năm. Xuất khẩu mặt hàng này đã tăng mạnh nhất kể từ năm 2018, với lượng kim ngạch xuất khẩu tăng gần gấp 2 lần so với năm trước đó (2017). Sau đó, mức tăng trưởng giữ vững khoảng 10 – 20% mỗi năm.
Với lượng và kim ngạch xuất khẩu lớn, viên nén đã trở thành một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành gỗ Việt Nam. Lợi thế của Việt Nam là có nguồn nguyên liệu đầu vào sẵn có, được huy động từ nguồn gỗ rừng trồng, đặc biệt từ các hộ trồng rừng; tận dụng được phụ phẩm gỗ của ngành chế biến; quy mô vốn đầu tư sản xuất nhỏ (1 – 2 triệu USD), trình độ quản lý, công nghệ sản xuất không đòi hỏi cao trong khi nhu cầu thị trường lớn.
Sản xuất viên nén gỗ giúp tận dụng tối đa nguồn gỗ phụ phẩm.
Gần như toàn bộ lượng viên nén do Việt Nam sản xuất đều xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản, với kim ngạch tương đương nhau. Theo ông Tô Xuân Phúc – chuyên gia Tổ chức Forest Trends, xét về khía cạnh động lực và tốc độ tăng trưởng, thị trường Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng mạnh và ổn định hơn rất nhiều so với thị trường Hàn Quốc. Một số doanh nghiệp trong ngành chia sẻ, trong tương lai nhu cầu viên nén tại thị trường Nhật Bản sẽ tăng lên khoảng 3 lần so với hiện tại. Viên nén của Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường rất lớn tại đây.
Tuy nhiên, rút kinh nghiệm những năm trước từng có trường hợp giảm đơn hàng, bị ép giá, một mặt các doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm viên nén. Mặt khác, cần chủ động tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường. Năm 2022 là cơ hội tốt, bởi tháng 3 vừa qua, Chính phủ Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu một số sản phẩm gỗ từ Nga, trong đó bao gồm viên nén đến hết năm. Điều này đòi hỏi các nước trước đó nhập khẩu viên nén từ Nga, chủ yếu từ EU, tìm kiếm nguồn cung thay thế. Hiện chưa có dấu hiệu giá viên nén xuất khẩu của Việt Nam sẽ chững lại trong tương lai.
Theo dự báo của các chuyên gia, nhu cầu viên nén sinh khối thế giới hiện tại là 12 – 15 triệu tấn/năm và đến năm 2030 khoảng 50 triệu tấn. Điều này bắt nguồn từ việc các quốc gia đã tiến vào giai đoạn bắt buộc giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thế giới chuyển dần sang sử dụng các dạng năng lượng tái tạo để thay thế năng lượng hóa thạch như than, dầu. Đây sẽ là thị trường rộng mở cho các doanh nghiệp của Việt Nam, nhằm tận dụng nguồn phụ phẩm gỗ dồi dào.
Góp phần phát triển rừng bền vững
Mở rộng thị trường cũng đồng nghĩa v việc hướng đến các quốc gia nhập khẩu khó tình hơn. Một số tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến sản phẩm viên nén gỗ như: Chứng chỉ quản lý bền vững theo tiêu chuẩn của thị trường Nhật Bản (JIA), Chứng chỉ quản lý rừng bền vững được công nhận trên toàn thế giới của Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế (FSC), Chứng chỉ quản lý sinh khối bền vững theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (SBP).
Tại Việt Nam, các diện tích rừng trồng là rừng sản xuất hiện đạt chứng chỉ FSC đến nay mới chỉ đạt khoảng 186.000ha, chủ yếu tập trung ở miền Bắc và miền Trung. Diện tích đến tuổi khai thác chỉ chiếm khoảng từ 40% – 50% trong tổng diện tích đã có chứng chỉ. Miền Nam phần nhiều nhập khẩu gỗ cho chế biến. Nguồn gỗ lớn có chứng chỉ được đưa vào chế biến đồ gỗ xuất khẩu còn nguồn cành, ngọn dành cho làm dăm và viên nén.
Sản xuất viên nén sinh khối có yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn gốc, chứng chỉ rừng trồng nên các địa phương cũng như ngành lâm nghiệp phải có chính sách về phát triển rừng, quy hoạch kế hoạch khai thác hợp lý để phát huy hiệu quả tiềm năng đất rừng. Nếu làm tốt điều này, Việt Nam không chỉ phát triển kinh tế rừng mà còn đồng thời bảo vệ được diện tích rừng và tăng tỷ lệ phủ xanh.
Tuy nhiên, ngành viên nén của Việt Nam hiện còn một số hạn chế như thiếu cơ chế kiểm tra giám sát trong khâu sản xuất, đặc biệt là chất lượng đầu ra sản phẩm, bao gồm cả các khía cạnh về hợp pháp và bền vững trong sản phẩm. Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam thiếu thông tin về các yêu cầu pháp lý và bền vững từ các thị trường xuất khẩu. Thiếu kết nối giữa các doanh nghiệp trong sản xuất và xuất khẩu. Điều này khiến các doanh nghiệp trong ngành chưa có tiếng nói chung về các khía cạnh sản xuất, kinh doanh và khi tham gia thị trường xuất khẩu.
Một vấn đề nữa, đó là toàn bộ lượng viên nén sản xuất ra hiện nay đều dành cho xuất khẩu do giá thành cao hơn. Vậy, cần làm gì để thúc đẩy sử dụng viên nén tại các nhà máy nhiệt điện trong nước, giảm nhập khẩu than và đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải chung của quốc gia? Đây sẽ là những vấn đề các nhà quản lý cần vào cuộc, nhằm nâng cao vai trò của nguồn năng lượng sinh học sẵn có này.