Việt Nam có tiềm năng tín chỉ carbon dồi dào, giá trị khoảng 300 triệu USD/năm
Tiềm năng lớn từ rừng
Năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon; hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028. Trong đó, thị trường carbon rừng của Việt Nam có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích lớn, không chỉ cho mục tiêu giảm phát thải mà còn góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho hơn 25 triệu người dân có sinh kế phụ thuộc vào rừng.
|
Với tổng diện tích rừng khoảng 14,7 triệu ha, độ che phủ rừng 42%, ước tính mỗi năm rừng Việt Nam hấp thụ trung bình gần 70 triệu tấn carbon (CO2). Thông qua thị trường carbon, rừng có thể mang lại một nguồn thu đáng kể phục vụ công tác quản lý, bảo vệ cũng như nâng cao thu nhập cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.
Tháng 10/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) – bên nhận ủy thác của Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF) đã ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Theo đó, Việt Nam chuyển nhượng cho FCPF 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024. FCPF sẽ thanh toán cho dịch vụ này 51,5 triệu USD. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở Châu Á – Thái Bình Dương và là quốc gia thứ 5 trên thế giới đạt được thỏa thuận quan trọng này với FCPF.
Hiện Chính phủ Việt Nam cũng đang đàm phán với Liên minh giảm phát thải (LEAF), dự kiến trong tương lai sẽ huy động được nguồn tài chính từ Liên minh này thông qua hoạt động bảo vệ rừng ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Và trong tháng 3/2024 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) vừa chuyển khoản tiền trị giá 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỉ đồng cho Việt Nam sau khi mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng. Nước ta cũng là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương nhận được khoản tiền bán tín chỉ carbon rừng từ WB. Dự kiến con số này sẽ tăng lên đáng kể ở các năm sau đó do diện tích rừng đưa vào khai thác carbon tăng và giá trị mỗi tín chỉ sẽ tăng lên.
Tín chỉ carbon từ canh tác lúa
Bên cạnh rừng, ngành ngành nông nghiệp Việt Nam cũng có tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm. Đặc biệt là trong canh tác lúa. Gần đây, một số địa phương đã tiến tới áp dụng mô hình canh tác lúa giảm phát thải. Mô hình này không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn tạo ra thêm tín chỉ carbon. Điển hình như Đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc áp dụng mô hình canh tác lúa giảm phát thải không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn tạo ra thêm tín chỉ carbon. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quá trình triển khai Đề án, sẽ có một số chính sách mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu được thực hiện thí điểm như chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất tuần hoàn. Hiện Bộ này đang phối hợp với các chuyên gia của Quỹ chuyển đổi tài sản carbon xây dựng hệ thống MRV cho Đề án này để làm cơ sở cấp tín chỉ carbon cho sản xuất lúa gạo và trao đổi trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất lúa gạo đồng thời giảm phát thải.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Hiện nay lúa chúng ta đang phát thải 90% qua rễ, 9% qua thân và 1% qua lá. Chính vì vậy khi chúng ta áp dụng các phương pháp canh tác mới là canh tác ngập khô, ướt khô sẽ giúp chúng ta giảm được phát thải metan đối với lúa và có thể tạo ra được tín chỉ carbon”.
Thống kê của Trung tâm con người và thiên nhiên (2023) cho thấy, tính đến hết tháng 11/2022 đã có gần 29,4 triệu tín chỉ carbon được phát hành, thuộc 276 dự án nằm trong khuôn khổ của cơ chế phát triển sạch (CDM) thuộc thị trường carbon bắt buộc, trong đó chủ yếu (204 dự án) là các dự án thủy điện. Thị trường carbon tự nguyện cũng được hình thành, với 32 dự án và có tổng số 5,75 triệu tín chỉ carbon được phát hành sử dụng tiêu chuẩn vàng (Gold Standards). Các dự án thủy điện vẫn chiếm nhiều nhất (22/32 dự án). Ngoài ra, thị trường tự nguyện cũng có 27 dự án sử dụng tiêu chuẩn VCS (verified carbon standards) với tổng số 1,35 triệu tín chỉ carbon đã được phát hành. Tương tự, các dự án mảng thủy điện vẫn chiếm số lượng lớn nhất (16 dự án).
Theo tính toán, nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, nước ta có thể bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, trong thời gian tới nhiều nước phát triển sẽ hỗ trợ Việt Nam khai thác tín chỉ carbon liên quan đến biển xanh, đất ngập nước, liên quan tới việc cô lập và tách carbon trên biển. Chính vì vậy, các khu vực giàu đa dạng sinh học, có khả năng hấp thụ carbon như Cần Giờ (TP HCM) sẽ là cơ hội để chúng ta có thể thực hiện việc bán tín chỉ carbon.
Tín chỉ carbon là đơn vị sử dụng để tính lượng khí phát thải. Một tín chỉ carbon (CO2) được tính là 1 tấn carbon tương đương. Khí nhà kính bao gồm carbon và các khí khác như khí metan (CH4), khí Nitơ (N2O) và một số loại khí khác… Các loại khí này được quy đổi ra đơn vị 1 tấn carbon tương đương, dựa trên khả năng làm nóng bầu khí quyển của mỗi loại. Thị trường carbon là giao dịch cho phép trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính hoặc kết quả giảm phát thải khí nhà kính, được công nhận dưới dạng tín chỉ carbon theo hình thức bắt buộc (thông qua vận hành của thị trường bắt buộc) hoặc tự nguyện (vận hành của thị trường tự nguyện). Các giao dịch được thực hiện thông qua các cơ chế, chính sách của một quốc gia (ví dụ thông qua công cụ thuế carbon mà Nhà nước ban hành) hoặc nhiều quốc gia (ví dụ thông qua việc thực hiện cam kết giảm phát thải cấp quốc gia theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu UNFCCC). |